Độc lạ cúp vàng World Cup: Đức Quốc Xã muốn cướp, được một con chó tìm thấy và nặng bằng một con mèo

- Thứ Sáu, 16/12/2022, 19:05
Theo dõi SABAVN trên google-news-text
Hai phiên bản của phần thưởng cao quý nhất làng túc cầu đều chứa đựng những điểm thú vị riêng.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1928. Khi Jules Rimet – cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Pháp và Liên đoàn Bóng đá Thế giới đề xuất ý kiến tổ chức World Cup, ông cần một hiện vật để trao cho đội chiến thắng. Thế là Rimet thuê người thợ điêu khắc tên Abel Lafleur làm công việc này. Sau nhiều ngày suy ngẫm, nghệ nhân gốc Paris đi đến ý tưởng cuối cùng, đó là hình ảnh nữ thần chiến thắng Nike nâng một hình bát giác bằng đôi cánh kỳ vỹ.

Ban đầu, chiếc cúp chỉ được đặt tên đơn giản là “Victory” (nghĩa là “Chiến thắng”). Tới năm 1956, nó mới được đổi thành tên của vị Chủ tịch Jules Rimet để tri ân sau khi ông qua đời. Kỷ vật ấy khá nhỏ, chỉ cao 35 cm và được làm từ bạc, sau đó mạ vàng.

Chiếc cúp được trao cho Uruguay, đội vô địch giải đầu tiên vào năm 1930. Tiếp đó, nó được chuyển tới Italia và cất vào két sắt một ngân hàng tại Rome, trước khi Đức Quốc Xã lên kế hoạch đánh cắp nó trong Thế chiến thứ hai.

Chủ tịch Jules Rimet trao cúp cho Chủ tịch LĐBĐ Uruguay vào năm 1930.
Chủ tịch Jules Rimet trao cúp cho Chủ tịch LĐBĐ Uruguay vào năm 1930.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Italia lúc bấy giờ là Ottorino Barassi đã đoán trước ý định đen tối của người Đức, thế nên ông lấy nó khỏi ngân hàng và chuyển về căn hộ riêng của ông. Kỹ năng “đánh hơi” giúp Đức Quốc Xã đón đầu hành động ấy, nhưng rất may là khi lục soát căn phòng, chúng không kiểm tra bên trong hộp đựng giày ở dưới chiếc giường của Barassi.

Từ cái hộp đựng giày ấy, cúp vàng quay về lại Uruguay sau kỳ World Cup 1950 rồi phiêu bạt sang… Đức vào năm 1954. Nhưng đó cũng là lúc mọi thứ trở nên phức tạp hơn.

Nhiếp ảnh gia Joe Coyle khẳng định rằng chiếc cúp được mang tới Thụy Điển cho World Cup 1958 cao hơn 5 cm và có bệ đỡ khác biệt so với vật phẩm được người Đức đem về. Thuyết âm mưu ngay lập tức xuất hiện: có ai đó đã ăn trộm cái cúp gốc. Rốt cuộc, chẳng ai biết chuyện gì thực sự xảy ra: Có phải phần đế đã được thay thế? Hay là một bộ phận mới khác được thêm vào? Bí ẩn, do đó, vẫn tồn tại đến ngày nay.

Dù gì thì tới tháng 3/1966, nó cũng đã thật sự bị lấy cắp. Vào một ngày chủ nhật đẹp trời tại Anh quốc, khi món hiện vật danh giá được đặt trong cung điện Westminster, kẻ trộm đã bẻ khóa cửa sau, vô hiệu hóa luôn cái khóa trên tủ đựng và lấy đi chiếc cúp.

Một tuần sau, người đàn ông tên David Corbett dẫn chú chó Pickles đi dạo ở phía nam London, và con thú cưng thính nhạy phát hiện ra món đồ kia. Corbett được tặng khoản tiền thưởng 6.000 bảng, còn Pickles được ăn đồ ăn miễn phí một năm. Nhưng cũng chỉ một năm sau, nó qua đời trong hành trình đuổi theo một con chuột.

Theo cuốn sách “The Theft Of The Jules Rimet Trophy” (tạm dịch: “Kẻ đánh cắp chiếc cúp Jules Rimet”), Liên đoàn Bóng đá Anh đã bí mật cho làm một bản sao của danh hiệu vô địch thế giới để tránh tai nạn như ở Westminster. Người Anh hành động bí mật đến nỗi FIFA còn chẳng hay biết gì, cho đến khi người thợ bạc George Bird hoàn thành công việc.

Khi Tam Sư lên ngôi ngay mùa hè năm 1966, ban đầu họ được nhận cúp thật, nhưng ngay lập tức một viên cảnh sát đã tráo cái cúp giả vào để đánh lạc hướng những kẻ âm mưu cuỗm đồ.

Vậy thì chiếc cúp thật hay giả đã du hành đến Mexico sau đó 4 năm? Gần như chắc chắn đó là hàng thật, nhưng FIFA cũng không dám khẳng định.

Khi Bird từ trần hồi năm 1995, gia đình ông ấy đã bán đấu giá vật phẩm giả, hy vọng sẽ thu về chừng 20.000 – 30.000 bảng. Ấy vậy mà một nhân vật lạ mặt đã trả tới 254.500 bảng. Hóa ra, người đó làm việc cho… FIFA. Tại sao ư? Họ nghi ngờ rằng đó chính là món đồ thật, còn thứ đồ sao chép kia đã vô tình được thế chỗ trong hành trình đi tới Mexico năm 1970. Hoặc có chăng, một người nào đó đã cố tình thực hiện việc hoán đổi?

Mãi sau này, người ta đem cái cúp mà FIFA cho là “thật” đi kiểm định. Hóa ra, nó chẳng thật là bao. Như vậy, tổ chức giàu có bậc nhất làng thể thao đã bỏ tiền tấn để mang về món đồ “pha-ke”.

Trở về với Mexico 1970, chiếc tượng nữ thần Nike được trao tận tay thủ quân Carlos Alberto của Brazil. Và vì Selecao đã vô địch thế giới lần thứ ba (hai lần trước đó là vào năm 1958 và 1962), họ được mang luôn cúp về quê nhà, theo quy ước của FIFA. Phần thưởng quý giá nằm ở văn phòng Liên đoàn Bóng đá Brazil tại Rio de Janeiro tới năm 1983, trước lúc bị một nhóm cướp có vũ trang đoạt lấy. Được biết, chiếc tủ đựng cúp có trang bị kính chống đạn hẳn hoi, nhưng phần lưng lại làm bằng... gỗ. Cảnh sát đã bắt nhiều nghi phạm nhưng chẳng ai bị kết tội và cúp cũng đã mất tích mãi mãi.

Một bản làm lại của cúp Jules Rimet.
Một bản làm lại của cúp Jules Rimet.

Đó là số phận lận đận của chiếc cúp vô địch 1.0. Hậu duệ của nó thì ra đời vào năm 1971, bởi FIFA cần một phần thưởng mới cho đội đăng quang. Lần này, FIFA không trả tiền trước cho người thợ nào mà tổ chức một cuộc thi thiết kế. Bất cứ ai thích thú đều có thể gửi bản vẽ mẫu cúp mới đến Liên đoàn. Trong số 53 sản phẩm dự thi, có 1 mẫu được đánh giá cao nhất. Đó chính là phiên bản mà chúng ta đã nhìn thấy suốt nhiều năm nay.

Khác với những thí sinh khác chỉ gửi bản phác thảo trên giấy, ông Silvio Gazzaniga làm luôn một thành phẩm bằng phấn. FIFA vô cùng ấn tượng trước nỗ lực ấy, bởi họ có thể cầm nắm và chụp ảnh với nó để đánh giá.

Ông Silvio nghiên cứu trường phái thiết kế Bauhaus tại thành Milan và được con trai miêu tả là “kẻ điên của nghệ thuật”. Tầm hiểu biết, kinh nghiệm và năng khiếu thẩm mỹ của nhà điêu khắc người Ý đã khiến chiếc cúp vàng thế hệ mới trở nên độc nhất vô nhị trong làng bóng đá.

Cúp vàng World Cup hiện tại.
Cúp vàng World Cup hiện tại.

Mọi khía cạnh của món kỷ vật đều được cân nhắc cẩn thận. Đầu tiên là hình quả địa cầu ở bên trên, một lựa chọn hoàn toàn hợp lý bởi đây là danh hiệu vô địch thế giới. Thêm nữa, hình dạng Trái Đất cũng hệt như hình dạng quả bóng đá. Nâng đỡ cho nó là hai người đàn ông, đại diện cho hai đội trong một trận đấu. Theo Silvio thì chắc chắn không thể chỉ để một người, bởi túc cầu là bộ môn tập thể.

Hình ảnh hai nhân vật giơ tay lên trời biểu trưng cho khoảng khắc tận hưởng niềm vui chiến thắng, không chỉ của các cầu thủ mà còn là hàng tỷ khán giả trên toàn thế giới. Vị cha đẻ tạo nên chiếc cúp không muốn nó tĩnh như phiên bản cũ, mà phải “sống động”.

Hiển nhiên, không vinh quang nào mà không phải đánh đổi bằng nỗ lực. Nếu những phần lục địa trên Trái Đất được làm nhẵn nhụi, sáng loáng, thì hai thân người lại sần sùi, ẩn dụ cho sự gian khổ của các vận động viên.

Ở phần dưới chiếc cúp là hai dải màu xanh ngọc bích làm từ đá khổng tước. Theo kế hoạch, chiến lợi phẩm này sẽ chỉ được sử dụng đến năm 2030, thế nên Silvio đã chừa ra 20 chỗ trống để khắc tên các đội lên ngôi vương. Cúp được chế tác từ vàng 18 karat, cao 36 cm và nặng 6,142 kg, ngang ngửa một con mèo vài tuổi.

Tây Đức là đội đầu tiên nâng cao tác phẩm huyền thoại của ông Silvio. Sau đó, họ có thêm hai lần vô địch nữa nhưng luật lệ tặng cúp cho đội đăng quang 3 lần đã bị gỡ bỏ. Ngày nay, các đội thắng trận chung kết thậm chí còn không được giữ chiếc cúp thật. Họ chỉ nhận về một bản sao được mạ vàng, còn món đồ cực quý được canh gác cẩn thận tại trụ sở của FIFA ở Zurich, Thụy Sĩ. Chỉ có những nhà cựu vô địch World Cup và nguyên thủ quốc gia mới được chạm vào nó.

Dù chiếc cúp vàng World Cup thế hệ 2.0 không trải qua vòng đời bí ẩn như người tiền nhiệm Jules Rimet, nhưng ý nghĩa đằng sau thiết kế của nó vẫn khiến người yêu trái bóng tròn mê đắm.

Nguồn: The Athletic

Xem thêm:

World Cup 2022